VIỆT NAM CHUNG TAY VÌ CỘNG ĐỒNG ASEAN GẮN KẾT VÀ THÍCH ỨNG
Thực hiện Kế hoạch số 5519/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND tỉnh Ninh Thuận về tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, ngày 01/11/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số 97/KH-SNNPTNT về việc tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoạn 2021-2025.
Trước tiên, để biết được giá trị và lợi ích mà Cộng đồng ASEAN đã và sẽ mang lại cho Việt Nam, chúng ta cần phải nắm rõ “Cộng đồng ASEAN là gì?”.
Đi ngược lại thời gian, ngày 8 tháng 8 năm 1967, Hiệp hội các Quốc
gia Đông Nam Á (tiếng Anh: Association of South East Asian Nations, viết tắt là ASEAN) được thành lập với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines, nhằm biểu hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong cùng khu vực với nhau, đồng thời hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn tại những nước thành viên. Việt Nam chính thức gia nhập vào thành viên thứ 7 của ASEANvào ngày 28 tháng 7 năm 1995. Đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình, hợp tác, liên kết của cả khu vực. Và đến thời điểm hiện nay, ASEAN có tất cả là 10 quốc gia thành viên bao gồm: Brunei, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Qua 54 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một Cộng đồng thống nhất với uy tín ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới, đồng thời mang lại những lợi ích thiết thực cho các quốc gia thành viên.
Trải qua hơn một nửa thế kỷ hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm và thách thức, ASEAN đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. ASEAN có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN. Về chính trị - an ninh, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN có mức độ hợp tác chặt chẽ với nhiều bước tiến quan trọng trong xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực và quy tắc ứng xử, ngăn ngừa và quản lý xung đột, nâng cao năng lực xử lý những thách thức an ninh. Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là không gian kinh tế, mà trong đó về cơ bản không còn thuế quan đối với hàng hóa, đồng thời có sự lưu chuyển khá thuận lợi về dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động có tay nghề. Về văn hóa - xã hội, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là một khuôn khổ hợp tác chặt chẽ, giúp thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện cuộc sống của người dân, nâng cao ý thức về cộng đồng và bản sắc chung ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN vì con người và lấy con người làm trung tâm với tinh thần không bỏ ai lại phía sau.
Bằng những nỗ lực bền bỉ mở rộng quan hệ với cộng đồng quốc tế trong 54 năm qua, ASEAN khẳng định được vai trò và vị thế của mình, là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới. ASEAN là nhân tố quan trọng hàng đầu trong bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác vì sự phát triển ở khu vực. Ðó là kết quả của những nỗ lực liên kết, hợp tác về chính trị - an ninh, nhất là trong ngăn ngừa xung đột thông qua xây dựng lòng tin và chia sẻ các quy tắc ứng xử. Bên cạnh đó, ASEAN đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực, nhất là về kinh tế, thương mại.
Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28 tháng 7 năm 1995, đã đánh dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sự đối ngoại của Việt Nam trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế. Chúng ta đã từng bước hội nhập với tâm thế ngày càng tự tin, ngày càng tích cực, chủ động, không ngừng phát huy vai trò là một đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng các nước Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quan trọng, đưa khu vực Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang tin cậy, từ chia rẽ sang đoàn kết. Việt Nam từng bước khẳng định là một phần không thể tách rời của ASEAN và khu vực Đông Nam Á, gắn sự phát triển của đất nước với ASEAN và mong muốn gách vác công việc chung của ASEAN. Chính sách đối với ASEAN đã trở thành chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc hội nhập quốc tế giúp Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư, góp phần tạo nhiều việc làm mới trong nước cho người lao động. Lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là lao động có kỹ năng, ngoại ngữ. Việt Nam cũng có điều kiện để thu hút được lao động chất lượng cao từ các nước đến làm việc, bù đắp sự thiếu hụt lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế. Năng suất lao động của Việt Nam sẽ tăng lên giúp cho nền kinh tế giảm khoảng cách so với nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới…
Tuy nhiên việc hội nhập ASEAN cũng đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức: Hội nhập, tự do di chuyển lao động sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, đặc biệt đòi hỏi về lao động có kỹ năng, trình độ cao, có nguy cơ lao động nước ngoài sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao trong thị trường lao động của Việt Nam. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập, hệ thống chính sách về lao động - việc làm phải tiếp tục được đánh giá, bổ sung và sửa đổi đảm bảo ngày càng thông thoáng, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ cho người lao động, nhất là nhóm lao động yếu thế như các chế độ ưu đãi đối với lao động là người khuyết tật, các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lao động dôi dư... góp phần hỗ trợ người lao động có được việc làm ổn định.

Như ta đã biết, từ cuối năm 2019 đến nay, cả Thế giới đã và đang phải đối phó với đại dịch Covid-19 vô cùng phức tạp, nguy hiểm. Sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu bị đóng băng làm hạn chế hoạt động du lịch, thương mại và đầu tư. Hầu hết các hoạt động kinh tế bị gián đoạn, đình trệ vì các biện pháp như đóng cửa, cách ly, giãn cách xã hội… Dịch Covid-19 cũng gây nên những bất ổn xã hội, khủng hoảng y tế công cộng; làm tăng tỷ lệ đói nghèo, thất nghiệp và giảm phúc lợi người dân. Khi số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng, các nước cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế và cán bộ, nhân viên làm trong lĩnh vực y tế.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan ứng phó khẩn cấp và y tế công cộng của ASEAN đã nhanh chóng hành động, chia sẻ thông tin và các biện pháp ứng phó hay nhất tại mỗi cuộc họp ASEAN về dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đề xuất phân bổ lại các nguồn lực sẵn có để chống dịch và thành lập Quỹ ứng phó ASEAN đối với dịch Covid-19, thiết lập quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho dịch bệnh…Bên cạnh đó, các nước ASEAN đang hướng tới việc tiếp cận các nguồn vaccine để tiêm chủng trên diện rộng, tiến tới miễn dịch cộng đồng vào năm 2022; tìm kiếm các giải pháp ứng phó, các gói kích thích kinh tế và hy vọng sẽ dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa, giãn cách xã hội, khôi phục các hoạt động kinh tế trong thời gian không xa.
Cái cách mà ASEAN vượt qua sóng gió bất ngờ mà đại dịch Covid-19 gây ra minh chứng cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, kiên định và không khuất phục trước những khó khăn, nghịch cảnh. Hơn bao giờ hết, chúng ta thấu hiểu tầm quan trọng của “Tư duy Cộng đồng, Hành động Cộng đồng”. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “…các nỗ lực đơn lẻ cần được gắn kết lại, vượt tầm quốc gia, trở thành hành động chung của cả Cộng đồng ASEAN”.

Việt Nam nói chung và Ninh Thuận nói riêng, là khu vực giàu Tài nguyên du lịch, có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn nhân lực dồi dào cho phép phát triển mạnh và có hiệu quả cao trong ngành Du lịch. Đến với Ninh Thuận, một Tỉnh đầy nắng và gió nhưng có vô vàn những danh lam thắng cảnh với vẻ đẹp tự nhiên và hùng vĩ , những đoạn đường đèo ngoạn mục và nên thơ, những con đường đưa bạn đến sát biển tưởng chừng như với tay là tới sóng biển dạt dào, nhưng đôi lúc lại dẫn bạn vào sâu sát vách đá, núi non trùng điệp và chốc lát bạn lại sung sướng khi nhìn thấy những làng mạc ven triền núi, bắt gặp những vườn nho sum suê quả, những cánh đồng muối trắng xóa…Ninh Thuận không những có thuận lợi phát triển về du lịch, mà với đặc trưng là nắng và gió là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án về điện năng lượng mặt trời hay dự án điện gió. Con người Ninh Thuận rất chất phát, thật thà. Với phần lớn dân cư chủ yếu là nông và ngư nghiệp, họ sống rất chân thật, hòa đồng, thân thiện…Và nếu những ai chưa từng đến vùng đất này, hãy thử một lần đặt chân đến, bạn mới cảm nhận hết vẻ đẹp của cảnh vật và con người Ninh Thuận.
Nhìn lại hơn 26 năm Việt Nam gia nhập vào ASEAN, sự thành công và vai trò ngày càng lớn của ASEAN trong chặng đường vừa qua cùng sự đồng hành của Việt Nam đã một lần nữa cho thấy sự đúng đắn trong quyết định của Việt Nam khi gia nhập ASEAN. Sự tham gia ấy không chỉ thể hiện sự chủ động, tích cực trong phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam mà còn cho thấy nhu cầu hợp tác tất yếu vì hòa bình, phát triển thịnh vượng của cả khu vực.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y